1. Tổng quan
Thi trấn Sapa thuộc tỉnh Lào Cai cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 320 ki-lo-mét. Tổng diện tích của toàn thị trấn Sapa lên đến gần 680 ki-lo-mét vuông. Luôn chìm trong làn mây bồng bềnh trôi, nhiệt độ trung bình mát mẻ từ 15-18 độ C bởi Sapa nằm ở độ cao 1500 đến 1800 mét so với mực nước biển. Địa hình đa số là đồi núi, làn sương mỏng giăng giăng lúc sáng sớm và chiều tà xung quanh ruộng bậc thang, thác nước, ngọn núi hùng vĩ, hoang sơ tạo nên một bức tranh vô cùng thơ mộng, đẹp tuyệt vời không có từ ngữ nào có thể hết được vẻ đẹp này.
Thị trấn Sapa có không khí trong lành, dễ chịu. Nằm trên độ cao như vậy, 1500-1800 mét, khí hậu Sapa là khí hậu ôn đới cận nhiệt đới với bốn mùa rõ rệt trong “một ngày”. Đúng vậy, mỗi một ngày ở Sapa bạn sẽ được trải qua đầy đủ bốn mùa xuân - hạ - thu - đông. Buổi sáng là mùa xuân với tiết trời mát mẻ, mây và sương mù giăng đầy trên mái nhà, trên tán cây, ngọn núi,… Buổi trưa khi mặt trời lên cao là không khí của ngày hè, không phải nắng gắt như mùa hạ ở Hà Nội mà vẫn rất dễ chịu vì xung quanh là núi đồi, thác nước mà. Tiếp đến là không khí của mùa thu, trời về chiều, thời tiết se se lạnh, sương lại bắt đầu xuất hiện bao phủ khắp không gian. Cuối cùng là khi màn đêm buông xuống, nhiệt độ giảm sâu và bạn sẽ cảm nhận được cái lạnh của mùa đông vùng núi Tây Bắc. Từ tháng 3 đến tháng 8 nhiệt độ trung bình ban ngày của Sapa dao động khoảng 28-23 độ C và ban đêm giảm xuống 12-15 độ C. Thời gian này thường có những cơn mưa rào bất chợt. Từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau nhiệt độ khoảng 10-15 độ vào ban ngày và từ đêm đến gần sáng là 5-8 độ C. Thời tiết hanh khô, mưa ít hơn. Đặc biệt vào giữa tháng 12 đến tháng 1 bạn có thể bắt gặp những ngày Sapa có tuyết rơi, nhiệt độ giảm còn dưới 0 độ C. Thời tiết lạnh giá như vậy nhưng cũng rất thú vị phải không?
Thị trấn Sapa là nơi hiếm hoi ở Việt Nam có tuyết rơi. Tính từ năm 1967 đến năm 2011 Sapa đón 15 lần tuyết rơi. Lần tuyết rơi dày đặc và liên tục nhất vào ngày 13 tháng 2 năm 1968, trong suốt từ 3 giờ sáng đến 14 giờ chiều cùng ngày, tuyết rơi lên tục với độ dày đo được là 20 cen-ti-mét.
2. Lịch sử
Vào năm 1897, chính quyền Pháp đã chú ý đến mảnh đất Sapa hùng vĩ và hoang sơ này, họ đã mở một cuộc điều tra về địa hình ở nơi đây. Kể từ năm 1909 đến những năm tiếp theo, người Pháp đã xây dựng tổng cộng hơn 300 căn biệt thự theo lối kiến trúc đặc trưng của đất nước Pháp. Bởi vậy Sapa còn được mệnh danh là “thành phố Paris thu nhỏ”. Tuyến đường sắt nối liền Hà Nội - Lào Cai đầu tiên được khánh thành vào năm 1920. Nhưng trong trận chiến tranh tại biên giới Việt - Trung năm 1979, thị trấn Sapa bị tàn phá khá nhiều, hàng ngàn héc-ta rừng bị đốt trụi. Cuối cùng khi đất nước giành được độc lập, và cho đến năm 1990, Sapa mới được tu sửa, xây dựng, khôi phục lại cảnh quan thiên nhiên.
Cái tên “Sapa” bắt nguồn từ tiếng Quan Thoại “Sa Pả” hoặc “Sa Pá” nghĩa là “bãi cát”. Lý do ngày xưa toàn bộ thị trấn này xung quanh là núi rừng, chỉ có một bãi cát phẳng để người dân tập trung họp chợ. Người Pháp phát âm không dấu nên đọc là “Sapa” và tên gọi đó đã gắn liền với vùng đất đấy đến tận bây giờ.
3. Văn hóa, con người
Thị trấn Sapa là nơi sinh sống của sáu dân tộc anh em: Kinh, H’mông, Dao Đỏ, Tày, Giáy, Xã Phó. Mỗi dân tộc lại có những nét đẹp đặc trưng cùng với những lễ hội văn hóa truyền thống riêng: Lễ hội Roong pọc của người dân tộc Giáy tổ chức vào tháng Giêng âm lịch; Lễ hội Sản sán của người H’mông; Ngày hội nhảy của dân tộc Dao Đỏ diễn ra vào dịp Tết hàng năm… Và cứ vào buổi tối thứ 7 hàng tuần, Chợ tình sẽ được tổ chức để những chàng trai, cô gái độc thân tìm đến nhau, giao lưu, trao đổi tình cảm qua những điệu nhảy, tiếng khèn, câu hát.
Về trang phục truyền thống, đây là cách thể hiện đặc trưng về lối sống, phong tục.
- Người Dao Đỏ: Trang phục của họ rất đẹp, rất điệu đà, nhiều chi tiết với áo, yếm, xà cạp, khăn vấn đầu đi kèm với nhiều trang sức bạc. Bạn có thể dễ dàng quan sát thấy cổ áo người Dao được may rất đơn giản, chỉ là những miếng vảo trắng hình vuông xếp sát nhau. Xà cạp thì được thêu nhiều hoa văn có hình sặc sỡ để thêm phần nổi bật.
- Người H’mông: Đàn ông mặc quần áo màu tối (đen, chàm) với áo ngắn tay, đổi chiếc mũ tròn. Phụ nữ mặc vái, áo xẻ ngực, thắt lưng, xà cạp cới hoa văn hình xoắn ốc, hình chữ thập, hình thoi,…
- Người Tày: Màu sắc và kiểu dáng trang phục của họ là đơn giản nhất. Cả nam và nữ đều mặc áo cánh 4 thân xẻ ngực với 2 túi phía trước, cổ áo hình tròn, eo quấn thắt lưng.
- Người Giáy: Phụ nữ mặc áo ngắn xẻ nách, đầu quấn khăn, cổ đeo vòng bạc và chân đi giày vải thêu hoa. Khá đơn giản, không cầu kỳ nhiều chi tiết…
Về ngôn ngữ. Mỗi dân tộc đều có một ngôn ngữ riêng để giao tiếp. Tuy nhiên do sự phát triển của du lịch, Sapa thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới và cả quốc tế, người dân tộc ở đây cũng bắt đầu học nói tiếng Kinh và cả tiếng Anh nữa, một phần phục vụ cho việc kinh doanh buôn bán.
4. Nền ẩm thực
Thiên nhiên ban tặng cho thị trấn Sapa những cảnh đẹp vô cùng tận, không khí trong lành, mát mẻ. Bên cạnh đó, thế giới ẩm thực ở đây cũng là điều núi giữ chân du khách ở lại. Từng món ăn không chỉ là hương vị đặc trưng của vùng núi Tây Bắc mà còn là những văn hóa nét riêng của mỗi người dân tộc nơi này.
- Cơm lam: gạo và nước được đổ vào ống lam, nướng trên bếp lửa hồng, mùi gạo nếp dẻo thơm hòa cùng mùi tre nứa tạo nên sự khác biệt của món ăn. Cơm lam nướng thường được ăn kèm với muối vừng để làm tăng lên vị đậm đà của món ăn.
- Xôi ngũ sắc: món xôi nếp với cách nhuộm màu gạo cầu kỳ có năm màu sắc tượng trưng cho ngũ hành kim - mộc - thủy - hỏa - thổ, ý nghĩa thể hiện sự hòa hợp.
- Lẩu cá hồi, cá tầm: trong cái tiết trời se lạnh ở vùng núi cao, cùng nhau quây quần bên nồi lẩu với nước dùng đậm đà, tê tê cay sẽ là một kỷ niệm khó quên.
- Cá suối nướng: những con tươi ngon dưới suối được bắt lên, mỗi con to đến 2-3 ngón tay, sau khi tẩm ướp, từng con cá nướng trên bếp lửa bập bùng, làm dậy lên mùi thơm khó cưỡng, miếng cá giòn tan, béo ngậy.
- Các xiên thịt nướng: buổi tối tại khu chợ đêm, bạn sẽ như bị hút vào các hàng thịt xiên nướng với món nước chấm thần thánh đi kèm, đặc biệt có một loại “rau sống” vị chua chua chỉ riêng Sapa mới có.
- Thắng cố: là một món đặc sản của Sapa nhưng rất ít người dám ăn bởi nguyên liệu món ăn này khá “đặc biệt” bao gồm: thịt, xương, tiết, nội tạng của ngựa nấu cùng 20 loại thảo dược. Mùi vị món ăn này hơi có vị hôi, đắng nhưng ăn quen chắc chắn sẽ bị nghiện.
- Rượu dân tộc: rượu San Lùng, rượu Táo mèo. Một ly rượu uống kèm trong bữa ăn sẽ càng khiến bạn cảm nhận rõ hương vị của vùng Tây Bắc.
5. Địa điểm nổi tiếng
- Fansipan với độ cao 3143 mét so với mực nước biển được mệnh danh là “nóc nhà của Đông Dương”. Hiện tại đã có hệ thống cáp treo để quý khách có thể trinh phục được đỉnh Fansipan.
- Núi Hàm Rồng: ở độ cao 1800 mét so với mực nước biển, bạn sẽ dễ dàng thu toàn bộ khung cảnh của thị trấn Sapa vào tầm mắt.
- Nhà thờ đá: được xây dựng vào năm 1935 do kiến trúc sư người Pháp, đây là dấu ấn của người Pháp gần như nguyên vẹn ở Sapa. Trước nhà thờ đá có một quảng trường rộng, nơi đây là nơi tổ chức phiên chợ Tình mỗi tuần.
- Bản Cát Cát, bản Tả Van: bạn sẽ phần nào cảm nhận được nét đẹp từ quá trình lao động, sinh sống của người dân tộc H’mông, Tày, Dao, Giáy. Có nhiều nghề thủ công còn vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay như dệt vải, chế tác trang sức vàng bạc,…
- Đèo Ô Qúy Hồ: một trong tứ đại đỉnh đèo nguy hiểm, nhiều khúc cua uốn lượn nhất của Việt Nam.
Và còn rất nhiều những đỉa điểm nổi tiếng với nét đẹp hoang sơ khác nữa đang chờ bạn khám phá.
Nhắc đến Sapa, mảnh đất chưa đựng biết bao điều kỳ thú. Bạn hãy bắt đầu cuộc hành trình của mình để chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng, hùng vĩ, và cũng rất “tình” của thị trấn sương mơ này nhé!
Để lại lời nhắn của bạn