1. Vị trí và cách đi đến chùa Cái Bầu
- Vị trí: Chùa Cái Bầu nằm cách thị trấn trung tâm của Vân Đồn (thị trấn Cái Rồng) khoảng 11 km, nằm sát vịnh Bái Tử Long và gần khu du lịch nổi tiếng Bãi Dài đầy thơ mộng và hoang sơ. Ngôi chùa thuộc Hạ Long, Vân Đồn, Quảng Ninh. Ngôi chùa có vị trí cách xa khu dân cư và có vị trí tuyệt đẹp theo phong thủy. Chùa có thế lưng tựa núi và chính diện hướng ra vịnh Bái Tử Long.
- Cách đi: Trước đây nếu muốn đi đến Vân Đồn, người dân và du khách phải đi bằng tàu, thuyền,.. ngày nay, được sự quan tâm của chính quyền và nhà nước, tại đây đã được xây dựng một cây cầu vượt biển và đường xá được quy hoạch rất hiện đại và thuận tiện cho việc đi lại. Thay vì đi bằng tàu, thuyền như trước kia thì hiện tại bạn có thể đến đây bằng ô tô, xe máy. Từ Hà Nội đến Vân Đồn khoảng 250 km, tùy từng loại phương tiện bạn lựa chọn mà có thể mất từ 3,5 đến 5 giờ di chuyển.
2. Lịch sử và kiến trúc của chùa Cái Bầu
Chùa Cái Bầu là một công trình tâm linh có lịch sử lâu đời và mang đậm giá trị lịch sử. Chùa được xây dựng trên nền của ngôi chùa Phúc Linh Cổ Tự (Ngôi chùa được xây dựng cách đây 700 năm). Đây là nơi thờ các vị tướng nhà Trần đã có công lao to lớn trong cuộc chiến đấu chống quân Nguyên Mông xâm lược thế kỷ 13.
Qua thời gian, ảnh hưởng của chiến tranh, chùa bị hư hỏng nặng. Đến tận năm 2007 chùa được khởi công tu sửa và tái xây dựng. Sau 2 năm tu bổ, chùa được khánh thành, trở thành chốn tâm linh khang trang, tuyệt đẹp xứng đáng với những giá trị văn hóa và lịch sử của nó. Khuôn viên chùa có tổng diện tích 20 ha và kinh phí tu bổ ngôi chùa là 24 tỷ đồng.
Cũng như bao ngôi chùa khác, chùa Cái Bầu mang đậm nét kiến trúc và dấu ấn đặc trưng của những ngôi chùa cổ kính của Việt Nam: Những hàng cột tròn, bức phù điêu, mái chùa cong cong, những hoa văn trang trí mang đậm nét dân tộc,...
Chùa có kiến trúc trúc là một tòa đại hung bảo điện xây dựng theo lối kiến trúc đình chùa truyền thống của Việt Nam. Bên trên có một tấm bảng ghi tên tòa bảo điện. Chính điện gồm có hai tầng. Tầng dưới thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông, Pháp Loa đại sư,… các vị Tổ sư khai sinh và có công duy trì, phát triển thiền phái Trúc Lâm. Tầng trên, có thờ tượng phật Thích Ca Mâu Ni, được đặt trước bức phù điêu dựng lại hình ảnh cây bồ đề, nơi Đức Phật được giác ngộ. Hai bên phật Thích Ca Mâu Ni là Phổ Hiền Bồ tát và Văn Thù Sư Lợi, tượng trưng cho lòng từ bi và trí tuệ. Hai bức tường xung quanh chính điện được đặt hai bức phù điêu bằng đồng vô cùng tinh xảo, thuật lại toàn bộ cuộc đời của Phật Thích Ca Mâu Ni từ khi ngài được sinh ra đến khi vào cõi Phật.
3. Cảnh quan tại chùa Cái Bầu
Để lên đến chùa, bạn đi qua một con đường uốn lượn, quanh co bên bờ biển sóng vỗ rì rào, và bước qua cổng tam quan với hai tầng mái cong cong. Xung quanh khuôn viên chùa được bao phủ bởi vườn cây xanh, thảm cỏ, những chậu hoa và hòn non bộ tạo nên sự trong lành, gần gũi với tự nhiên và tạo sự yên bình, thanh tịnh cho ngôi chùa. Bên cạnh đó, trong chùa còn có một cái hồ nhỏ, bên trong hồ được trồng rất nhiều hoa súng và có một hòn non bộ ở giữa hồ, càng tô điểm cho vẻ đẹp của ngôi chùa thêm phần hấp dẫn.Tất cả những công trình và cảnh quan trong khuôn viên chùa được bố trí một cách hài hòa, tinh tế mang lại cảm giá thư thái cho khách tham quan.
Du khách đến chùa để cầu lễ, tham quan vãng cảnh có thể đứng từ chùa phóng tầm mắt ra phía trước, bạn có thể chiêm ngưỡng toàn bộ vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng, hùng vĩ của vịnh Bái Tử Long và tận hưởng sự trong lành từ những làn gió mát từ biển cả. Vẻ đẹp bình yên của trời, mây, biển cả sẽ giúp bạn xóa tan mọi ưu phiền và mệt mỏi. Đặc biệt tại chùa cũng không xảy ra hiện tượng bán hàng rong và đốt vàng mã nên khi đến đây bạn sẽ cảm nhận được sự yên bình và thanh tịnh.
4. Lưu ý khi đến tham quan chùa Cái Bầu
- Trang phục: Cũng như khi đến tham quan những điểm tâm linh khác, khi đến với chùa Cái Bầu, bạn cần lựa chọn những bộ trang phục kín đáo, gọn gàng và màu sắc đơn giản. Đi chùa, bạn sẽ phải đi bộ, leo cầu thang khá nhiều, chính vì vậy, bạn nên chuẩn bị cho mình những đôi giày thể thao, xăng đan để thuận tiện cho việc đi lại.
- Tiền công đức, tiền lễ: Nếu có ý định quyên góp và công đức tiền lẻ, bạn nên chuẩn bị sẵn từ ở nhà vì tại chùa không có chỗ đổi. Đồng thời, khi công đức tiền, bạn cũng lưu ý nên để tiền vào hòm công đức, tránh việc để rải rác ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của chùa và gây mất mỹ quan.
- Lời ăn, tiếng nói: Chùa là nơi thanh tịnh, chính vì vậy, khi đến đây, bạn cần lưu ý lời ăn tiếng nói của mình, đi nhẹ, nói khẽ, tránh làm ồn, không được có hành vi nói tục, chửi bậy thô tục.
- Quà lưu niệm: Như đã nói ở bên trên, tại chùa không có tình trạng bán hàng rong, chính vì vậy, nếu bạn muốn mua một món quà lưu niệm thì bạn nên mua tại các điểm bán đồ lưu niệm bạn gặp được trước đó.
Chùa Cái Bầu là một địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng và đầy ý nghĩa tại Hạ Long. Nếu bạn có cơ hội du lịch Hạ Long, nhất định không thể bỏ qua điểm đến tuyệt vời này.
Để lại lời nhắn của bạn