Phật giáo – tôn giáo được tôn vinh làm quốc giáo ở Thái Lan
Với đất nước hơn 66 triệu dân, mà có tới trên 63 triệu dân (tức khoảng trên 94% dân số) theo Phật giáo, điều này đã cho thấy được tầm ảnh hưởng to lớn của Phật giáo đối với quốc gia này. Những bài giáo lí của nhà Phật dường như luôn là kim chỉ nam cho lối sống, đạo đức và cách hành xử của người dân trong cuộc sống.
Trên thế giới, Phật giáo được chia thành nhiều trường phái khác nhau và ở Thái Lan phần lớn đều theo trường phái Theravada (hay còn gọi là Phật giáo Nam tông).Theo trường phái Theravada, những nhà sư không mặc áo nâu như ở Vietnam mà họ sẽ mặc áo vàng (tăng sư) hoặc áo trắng (ni sư) và họ có thể ăn mặn như người dân thường. Vào mỗi buổi sáng, các vị sư sẽ đi chân đất, đầu trần, cầm 1 bình/bát đi khất thực. Ai dâng gì, thì họ đều nhận. Khi về đến chùa, các nhà sư sẽ gộp chung tất cả đồ ăn lại, cùng niệm kinh và ăn cùng nhau. Vì thế mà bạn sẽ không bao giờ thấy khói bếp hay mùi nấu nướng ở trong chùa (ngoại trừ những ngày lễ, nhân dân sẽ tới sân chùa để nấu nướng, phát từ thiện cho dân nghèo).
Sở dĩ Phật giáo Thái Lan có sự phát triển như vậy, cũng là nhờ sự lĩnh hội của Hoàng gia. Khởi nguồn từ vương triều Sukhothai (1237-1456), nhà vua Lithai là một nhà vua anh minh, hết lòng phụng sự nhân dân và đã xuất gia tu học ngay tại chùa, cũng như cho xây dựng rất nhiều chùa chiền trên khắp cả nước. Và cứ thế qua nhiều đời vua, Phật giáo càng ngày càng có nhiều điều kiện tốt để phát triển và thịnh vượng như ngày nay.
Ngoài Phật giáo, tại Thái Lan cũng có 1 số tôn giáo nhỏ khác như Hồi giáo, Thiên chúa giáo, Hindu giáo cũng là những đạo giáo tốt đẹp, góp phần giáo dục nhiều đức tính tốt đẹp cho nhân dân Thái Lan.
Văn hóa của Thái Lan cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ nền Phật giáo lâu đời
Thái Lan từ lâu đã được biết đến là một đất nước văn minh và có nhiều nét văn hóa đặc sắc.
Thứ nhất, họ rất kính yêu Đức Vua. Nhân dân Thái Lan luôn biết ơn sự nỗ lực của đức Vua trong việc gìn giữ và phát triển đất nước, sự kính trọng hoàng gia là một tâm niệm để người dân Thái Lan tỏ lòng biết ơn của mình đối với những hi sinh lớn lao của họ. Nếu có ý định nói những lời khiếm nhã về Vua và Hoàng tộc, rất mong bạn hãy dừng lại ngay vì chắc chắn sẽ bị nhân dân Thái Lan phản ứng rất dữ dội.
Thứ hai, luôn kính trọng trước nhà sư. Đối với người Thái, bất kỳ ai khi gặp nhà sư đều cúi đầu chào, cho dù bạn có đang là đức Vua. Với niềm tin yêu vào đạo Phật, nhân dân Thái Lan cũng vô cùng kính trọng các nhà sư, người luôn đại diện cho Phật tổ tại trần thế để răn dạy, định hướng cho mỗi người dân từ khi còn tấm bé. Nhà sư cũng là một nhân vật không thể thiếu trong các nghi lễ quan trọng (như lễ đặt tên, lễ thọ giới, lễ cưới, lễ tang,…) để gửi lời cầu tốt đẹp nhất cho người dân. Họ luôn nhường chỗ cho nhà sư trên các phương tiện công cộng, dâng tặng đồ ăn cho các nhà sư đi khất thực, phụ nữ thường đứng xa các nhà sư, không được chạm vạt áo hay ngồi gần nhà sư để tỏ lòng kính trọng,…
Thứ ba, chào hỏi lễ phép. Thái Lan nổi tiếng với văn hóa chào hỏi bằng hình thức chắp tay và cúi đầu. Không chỉ đơn thuần là chắp tay, người Thái còn có 1 số quan niệm đặc biệt để thể hiện sự lễ phép mỗi khi chào hỏi. Nếu gặp người cấp bậc ngang hàng hoặc ít tuổi hơn, họ sẽ chắp 2 tay trước ngực, cúi đầu nhẹ xuống sao cho mũi chạm vào đầu ngón tay và không quên nói lời chào. Nếu gặp người có cấp bậc cao hơn hoặc người lớn tuổi, họ sẽ chắp tay trước ngực và hơi ngả, sau đó cúi đầu xuống để ngón tay chạm trán, thể hiện sự tôn kính. Và còn thêm 1 cách chào thứ 3 nữa là cách chào nhà sư và nhà vua, họ sẽ cúi gập nửa người và ngón tay chạm trán. Trong 1 vài nghi lễ đặc biệt, người chào sẽ đặt tay xuống đất, và cúi gần như sát đất, hai tay chạm trán để thể hiện tự tôn kính đặc biệt đối với người được chào. Chỉ chào hỏi thôi mà cũng có nhiều nguyên tắc quá, nhưng nó càng thể hiện sự chu đáo và chỉn chu trong cách ứng xử của người dân Thái Lan.
Thứ tư, mặc trang phục lịch sự tại những nơi tôn giáo. Người dân Thái Lan luôn tâm niệm rằng, chùa chiền là nơi tôn nghiêm, nên trang phục cũng cần phải lịch sự để thể hiện sự kính trọng nhà sư, tôn trọng tôn giáo của họ. Sẽ rất phản cảm nếu như bạn đến viếng chùa mà mặc áo hai dây, ba lỗ, trễ vai hoặc quần/váy ngắn trên đầu gối. Một số ngôi chùa có thể sẽ có những tấm Sarong (một tấm khăn mỏng, to) để những vị khách du lịch có thể quấn lại cho kín đáo, nhưng tốt nhất bạn nên chủ động trong trang phục của mình để đem lại sự thiện cảm đối với người Việt trong mắt người dân Thái Lan nhé!
Thứ năm, coi trọng uy tín cá nhân. Người Thái rất có ý thức về mỗi hành động họ làm, vì họ biết rằng, một việc làm xấu của 1 người sẽ làm xấu đi cả một cộng đồng. Không xả rác nơi công cộng, không đánh cãi nhau, không uống rượu say bên ngoài, không đi làm muộn, không trộm cắp, yêu thương vợ/chồng,… Mọi việc làm xấu tại đất nước Thái đều bị lên án mạnh mẽ, từ việc nhỏ nhất như một người Thái đi xe buýt không trả tiền,… Chính nhờ quan điểm này, đã giúp cho đất nước Thái Lan phát triển và tốt đẹp như ngày nay.
Thứ sáu, lưu ý khi tặng quà cho người Thái. Có một số quy tắc trong tặng quà cho người Thái là không được bọc quà màu xanh lá, xanh dương hoặc đen, vì nó là màu liên quan đến đám tang. Tương tự như vậy, khi tặng hoa cho nhau, họ không bao giờ tặng hoa vạn thọ, vì loài hoa này thường dùng để tặng cho người đã khuất. Và 1 điều quan trọng nữa, là khi tặng quà phải đưa bằng 2 tay, nếu là tặng cho người lớn tuổi thì phải cúi đầu để thể hiện lòng thành tâm bạn nhé!
Một số lễ hội truyền thống tại Thái Lan mà bạn không nên bỏ qua:
1. Lễ hội Tết Songkran
Lễ hội Tết Songkran hay còn gọi là Tết năm mới hay Tết Té nước được tính từ ngày 13 đến 15 tháng 04 hàng năm và riêng ở Pattaya sẽ kéo dài tới 19 tháng 04. Đây chính là lễ hội lớn nhất năm, sau khi người dân làm nghi lễ quan trọng, họ sẽ đổ ra đường tạt nước vào nhau để cầu chúc may mắn.
2. Lễ hội hoa đăng Loy Krathong
Lễ hội lớn thứ 2 này được tổ chức vào tháng 12 âm lịch mỗi năm để tưởng nhớ thần nước và thả đèn hoa đăng để xua đuổi tà ma.
3. Lễ hội thả đèn trời Yi Peng
Mặc dù đây là lễ hội được diễn ra trên cả nước, nhưng Chiang Mai lại là địa điểm đáng để đi nhất vào dịp lễ hội này. Được tổ chức vào tháng 11, trong tiết trời mát mẻ và không gian rộng lớn của Chiang Mai, hàng nghìn chiếc đèn trời được thắp sáng và thả lên trời tạo nên một đêm lãng mạn và huyền ảo.
Thông qua bài viết, hi vọng bạn sẽ có thêm được một số thông tin hữu ích để thêm vào hành trang cho chuyến du lịch Thái Lan trong tương lai. Hãy tìm hiểu thêm thông tin về những địa danh nhất định phải đến khi tới Thái Lan hoặc những khu chợ đêm, trung tâm thương mại sầm uất nhất Thái Lan để có thêm động lực bắt đầu hành trình khám phá thú vị với đất nước chùa Vàng Thái Lan nhé!
Để lại lời nhắn của bạn