Chùa Thanh Thủy (Otowa-san Kiyomizu-Dera) là tên đầy đủ của quần thể kiến trúc này, được thành lập vào năm 778, trải qua hơn 1.200 năm lịch sử. Ngôi đền này là nơi linh thiêng, nơi thờ cúng vị thần Kannon với lòng từ bi vĩ đại. Ngôi đền từ lâu đã mở cửa cho tất cả người dân thuộc mọi tầng lớp đến tham quan, cầu nguyện. Nằm trên khu đất có diện tích hơn 13 hecta, dọc theo giữa sườn núi Mt. Otowa thuộc phía đông Kyoto, quần thể chùa Thanh Thủy có tới hơn 30 công trình kiến trúc Phật giáo, bao gồm cả Bảo vật Quốc gia ở chính điện và các tài sản về văn hóa quan trọng khác. Kể từ khi thành lập, trải qua nhiều trận hỏa hoạn, các tòa nhà tại đây hầu như đã bị phá hủy, tuy nhiên tới năm 1633, các tòa nhà này đã được tái thiết và tồn tại cho tới ngày nay. Năm 1944, chùa Thanh Thủy đã được ghi danh vào danh sách Di sản Văn hóa Thế giới được UNESCO công nhận, và là một trong những di tích lịch sử lâu đời nhất còn tồn tại của Cố đô Kyoto.
Chùa Thanh Thủy là một ngôi chùa của giáo phái Kita-Hosso. Sau khi được đi vào hoạt động, nó đã áp dụng giáo lý của giáo phái Hosso, một trong sáu giáo phái của Phật giáo Nara. Trước kia, chùa Thanh Thủy là một ngôi chùa nhỏ thuộc một nhánh của chùa Kofuku-ji (ở Nara), ngôi chùa chính của giáo phái Hosso. Nhưng tới năm 1965, nơi đây đã trở thành ngôi chùa đứng đầu của giáo phái Kita-Hosso, được thành lập bởi nhà sư Onishi Ryokei Wajo, lúc đó là trụ trì chính của chùa. Ryokei Wajo luôn theo sát những sự kiện xã hội đầy biến động vào từng thời kỳ, từ đó tìm kiếm một hình thức Phật giáo mới mà phù hợp với xã hội tương lai. Tên "Kita" Hosso có nghĩa là phiên bản "phương Bắc" của giáo phái Hosso, vì nó bắt đầu ở Kyoto, nằm ở phía bắc Nara.
Là một quần thể kiến trúc rộng lớn, chùa Thanh Thủy có rất nhiều những kiến trúc để du khách có thể khám phá. Tuy nhiên, có 7 công trình kiến trúc nổi bật mà bạn nên đến tham quan khi đặt chân tới ngôi đền này. Đầu tiên là Nio-mon, lối vào chính của ngôi chùa, trước đây nó đã từng bị thiêu rụi trong một cuộc nội chiến (1467 – 1477) và được xây dựng lại vào những năm đầu thế kỷ XVI. Năm 2003, cổng này được tháo dỡ và trùng tu lại. Cổng Nio-mon được thiết kế với hai tầng có chiều cao 14m, rộng 10m, và dài 5m vô cùng tráng lệ, giúp du khách phần nào hình dung được nét độc đáo trong kiến trúc ở thời kỳ mà công trình này được xây dựng lại. Tiếp đến là Sai-mon - khu vực cổng phía Tây, công trình này được xây dựng lại vào năm 1631, đây là địa điểm tuyệt vời để du khách có thể ngắm hoàng hôn với góc quan sát cực rộng. Từ lâu, khu vực này đã được mệnh danh là “Cửa ngõ dẫn đến Thiên đường” và được biết đến như một nơi linh thiêng đối với phương pháp Thiền định Nissokan.
Hội trường Zuigu-do được xây dựng lại vào năm 1718, hội trường này mang hình ảnh của Bồ tát Daizuigu (một hình tượng Phật giáo ẩn), nơi mà mọi người có thể nói ra những mong muốn và nguyện vọng của mình. Câu chuyện về các vị thần của Phật giáo và Thần đạo về mai mối, hướng dẫn cách sinh nở an toàn và cách nuôi dạy con cái cũng được lưu giữ tại đây. Du khách có thể tham gia chuyến tham quan đặc biệt để khám phá khu vực được thánh hóa bên dưới hội trường, được gọi là Tainai meguri.
Sảnh chính Hondo thuộc tòa nhà Chính điện của chùa Thanh Thủy, nằm trên một vách đá dựng đứng thuộc Mt. Otowa, đây là một công trình kiến trúc bằng gỗ vô cùng nổi tiếng được xây dựng lại vào năm 1633. Tại đây, trưng bày bức tượng Bồ tát Kannon - hình ảnh chính của ngôi chùa, bức tượng bồ tát mười một đầu, ngàn tay được tôn trí ở phía trong cùng của chính điện. Sảnh chính được xây dựng dựa trên phương pháp truyền thống của Nhật Bản, khiến khu vực này rất kiên cố, đủ để nâng đỡ sân khấu, nơi luôn tấp nập khách du lịch.
Hội trường Okuno-in nằm ngay phía trên Thác Otowa. Tòa nhà hội trường hiện tại được xây dựng cùng thời điểm với Chính điện vào năm 1633. Okuno-in cũng rất tự hào khi có một sân khấu rộng rãi, cũng được xây dựng theo phương pháp độc đáo giống như tại Chính điện. Du khách có thể quan sát toàn bộ khung cảnh tuyệt đẹp tại sân khâu Chính điện và toàn cảnh cố đô Kyoto từ sân khấu của hội trường này. Đó cũng là lý do du khách rất yêu thích và lựa chọn nơi này làm địa điểm chụp hình lưu niệm.
Thác nước Otowa là một địa điểm không thể bỏ qua khi đến quần thể này. Chùa Thanh Thủy bắt nguồn từ thác Otowa và ngôi đền này lấy tên từ sự trong lành của dòng nước nơi đây. Tại Nhật Bản, nước sạch được chảy ra từ thác gọi là “Konjiki-sui” (nước vàng) hoặc “Enmei-sui” (nước kéo dài tuổi thọ), rất thích hợp để sử dụng trong việc thanh lọc cơ thể. Vì thế, du khách tham quan có thể hứng từng dòng nước trong ba dòng nước tinh khiết bằng gáo và cầu nguyện để thanh lọc các giác quan của họ và biến điều ước của họ thành hiện thực.
Tiếp tục hành trình khám phá là tòa nhà Jojuin. Ban đầu, nơi này được xây dựng để làm nơi sinh sống cho Gana đáng kính - nhà sư từ lâu đã cống hiến hết mình cho việc tái lập chùa Thanh Thủy sau khi nó bị thiêu rụi trong chiến tranh. Sau đó, tòa nhà được sử dụng làm ngôi chùa dẫn chính của Kiyomizu, dùng để bảo trì các tòa nhà và quản lý tài chính của chùa. Jojuin cũng nổi tiếng với Khu vườn Mặt trăng tinh tế, được mở cửa đặc biệt cho công chúng trong một thời gian nhất định mỗi năm. Khu vườn Mặt trăng được thiết kế sử dụng cảnh quan xung quanh của ngọn núi Koudaiji-san duyên dáng. Ánh sáng của mặt trăng phản chiếu trong ao vườn thật hấp dẫn khiến khu vườn này trở thành những bức tranh hiện thực đẹp nhất ở Kyoto, từ lâu đã thu hút rất nhiều du khách tới tham quan. Bạn sẽ cảm nhận được vẻ đẹp yên bình vượt thời gian khi ngồi trên hiên và ngắm nhìn khu vườn hòa quyện với thiên nhiên xung quanh!
Để lại lời nhắn của bạn