Cung điện Westminster vương quốc Anh

Cung điện Westminster là một trong những địa danh nổi tiếng nhất tại London, trở thành điểm thu hút khách du lịch trọng điểm tại thủ đô London, Anh.

Cung điện Westminster hiện nay là một trong những tòa nhà mang kiến trúc Gothic được công nhận đẹp nhất trên thế giới, do kiến trúc sư Sir Charles Barry thiết kế vào thế kỷ XIX. Hiện công trình được xếp vào danh sách Di tích hạng I của quốc gia, và là một phần của Di sản Thế giới được UNESCO công nhận. Cung điện Westminster chứa đựng sự pha trộn hài hòa giữa các tòa nhà cổ kính và hiện đại, đồng thời sở hữu một bộ sưu tập đồ nội thất, các tài liệu lưu trữ và các tác phẩm nghệ thuật mang tính biểu tượng.

Cung điện Westminster còn được gọi là Nhà Quốc hội hoặc đơn thuần là Westminster, đây là nơi hai Nhà của Nghị viện của Vương quốc Anh (Thượng viện và Hạ viện) tiến hành các phiên họp thường kỳ của họ. Cung điện Westminster cũng là nơi đưa ra các điều chỉnh về pháp luật của nước Anh được tranh luận và thông qua. Từ giữa thế kỷ 11 cho đến năm 1512, nơi đây là cung điện hoàng gia dành cho các vị Vua và Nữ hoàng Anh, chính vì lẽ đó mà công trình này được gọi là Cung điện Westminster.

Cung điện nằm trên bờ Middlesex của sông Thames thuộc thành phố Westminster, ở trung tâm Luân Đôn. Tên của cung điện này được đặt theo tên của Tu viện Westminster nằm lân cận. Cung điện Westminster cũ là một khu phức hợp được xây dựng thời Trung cổ đã bị phá hủy bởi hỏa hoạn vào năm 1834, sau đó Cung điện mới đã được xây dựng để thay thế. Vì vậy, đối với các nghi lễ, cung điện vẫn giữ được phong cách và hình thức như một nơi sinh sống của hoàng gia.

Cung điện hoàng gia đầu tiên được xây dựng tại vị trí này vào thế kỷ thứ XI, cung điện Westminster trở thành nơi sinh sống chủ yếu ở London của các vị vua nước Anh cho đến khi một trận hỏa hoạn xảy ra, thiêu rụi phần lớn khu phức hợp vào năm 1512. Sau đó, cung điện được chuyển đổi mục đích sử dụng thành Tòa nhà của Quốc hội – nơi bắt đầu diễn ra các cuộc họp từ thế kỷ thứ XIII, và là trụ sở của Tòa án Tư pháp Hoàng gia – có trụ sở trong và xung quanh Hội trường Westminster. Tới năm 1834, một trận hỏa hoạn thậm chí còn lớn hơn năm 1512 đã tàn phá nặng nề các Tòa nhà Quốc hội, và những công trình kiến ​​trúc duy nhất có ý nghĩa còn tồn tại là Westminster Hall, Cloisters of St Stephen's, Chapel of St Mary Undercroft và Jewel Tower.

Sau đó, một cuộc thi thiết kế được tổ chức để tái thiết Cung điện, người đã dành được chiến thắng là kiến ​​trúc sư Charles Barry và thiết kế của ông với một tòa nhà theo phong cách Gothic vuông góc. Kiến trúc của Cung điện cũ (ngoại trừ Tháp Ngọc bị tách rời) được xây dựng lại với diện tích lớn hơn nhiều, nó chứa hơn 1.100 phòng được thiết kế đối xứng xung quanh hai dãy sân, với 100 cầu thang và tổng chiều dài lối đi hành lang là 4,8 km. Phần diện tích của Cung điện mới rộng tới 3,24 ha (khoảng 8 mẫu Anh) được khai hoang từ sông Thames, chiều dài mặt tiền chính của cung điện hướng ra sông là khoảng 266 mét (873 feet). Kiến trúc sư Barry được hỗ trợ bởi Augustus W. N. Pugin – một người có kinh nghiệm hàng đầu về kiến ​​trúc và phong cách Gothic, người đã cung cấp các thiết kế cho việc trang trí và nội thất của Cung điện.

Việc xây dựng lại cung điện mới bắt đầu vào năm 1840 và kéo dài trong ba mươi năm, bởi chi phí vượt mức, cũng như sự chậm trễ lớn do cái chết của cả hai kiến ​​trúc sư hàng đầu; Các công trình trang trí nội thất được tiếp tục tiến hành không ngừng cho đến thế kỷ XX. Công việc bảo tồn lớn cung điện cũng đã được thực hiện kể từ đó, để hạn chế tác động của ô nhiễm không khí ở London, và việc sửa chữa đã được diễn ra sau Chiến tranh thế giới thứ II, bao gồm cả việc tái thiết Phòng Commons sau vụ đánh bom năm 1941. Cung điện đã trở thành một trong những trung tâm của đời sống chính trị ở Vương quốc Anh. Quần thể Cung điện Westminster bao gồm ba tòa tháp chính: Tháp Victoria, Tháp Trung tâm và Tháp Elizabeth.

Tháp Victoria là tòa tháp cao nhất tại cung điện Westminster, tòa tháp này được đặt theo tên của Nữ hoàng Victoria, tòa tháp này trở thành tháp hình vuông bằng đá cao và lớn nhất trên thế giới với chiều cao lên tới 98,5 mét. Tháp Victoria ban đầu được thiết kế như một lối vào dành cho các thành viên Hoàng gia và là một kho lưu trữ hồ sơ của Quốc hội. Ngày nay, du khách có thể tìm thấy Văn khố Quốc hội ở tòa nhà này. Do vị trí nổi bật của tháp, kiến ​​trúc sư Barry đã thiết kế, chạm khắc và điêu khắc cho nội thất ở mặt dưới của vòm lối vào phong phú. Chúng bao gồm các bức tượng của các vị thánh bảo trợ của Anh, Scotland, Ireland và xứ Wales, đặc biệt là một bức tượng có kích thước bằng người thật của Nữ hoàng Victoria và hai nhân vật ngụ ngôn về Công lý và Lòng thương xót. Ngoài ra, cổng của tháp Victoria còn được xây dựng đủ rộng, cho phép xe của Nữ hoàng có thể đi thẳng vào khi tới tham dự Lễ Khai mạc Quốc hội.

Nằm ở giữa cung điện, phía trên Sảnh trung tâm là Tháp Trung tâm hình bát giác có chiều cao 91,4m (khoảng 300 feet). Tòa tháp này có một ngọn tháp chứa một mái vòm Gothic hình bát giác lớn nhất mặc dù không có cột trụ trung tâm. Tòa tháp ban đầu được thiết kế để phục vụ như một ống khói thông gió cho không khí và khói từ lò sưởi. Do vị trí của nó ở trung tâm của tòa nhà, nên tòa tháp này là công trình đầu tiên được hoàn thành.

Tháp Elizabeth nằm ở cuối phía đông bắc của Cung điện và là tòa tháp nổi tiếng nhất của cung điện Westminster. Tháp Elizabeth có chiều cao là 96,3m (tương đương 316 feet), thường được gọi là tháp đồng hồ “Big Ben” bởi tòa tháp có một chiếc đồng hồ bốn mặt lớn do Augustus Pugin thiết kế. Tòa tháp được hoàn thành cuối cùng vào năm 1859, trở thành một địa danh mang tính biểu tượng của London và Vương quốc Anh nói chung, một trong những điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng nhất trong thành phố và là một biểu tượng của nền dân chủ nghị viện.

Cung điện Westminster là tòa nhà được xếp hạng cấp I từ năm 1970 và là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận từ năm 1987. Cung điện Westminster trở thành địa điểm không thể bỏ lỡ đối với bất kì du khách nào khi có cơ hội tới tham quan thủ đô London.

 

Để lại lời nhắn của bạn

Các bài viết mới